You are here

Chuyển đổi số - "đòn bẩy" giúp phục hồi sau đại dịch

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đây là thời điểm quan trọng để người dân hồi phục sinh kế. Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và đòn bẩy quan trọng cho các địa phương, ngành nghề, doanh nghiệp.

Ve chai công nghệ

Ở TP Hồ Chí Minh, quá trình đó được nhìn thấy rõ từ những câu chuyện cụ thể. Chẳng hạn như nhóm bạn trẻ đã khởi nghiệp từ một ứng dụng công nghệ trên điện thoại di động nhằm giúp cho người dân có thể mua bán ve chai trên mạng, giải quyết nhu cầu rác thải hộ gia đình cũng như sinh kế cho những người mua bán đồng nát.

Là một người thu mua đồng nát, ve chai, anh Giang chưa bao giờ nghĩ công việc của mình lại liên quan tới công nghệ. Cho đến khi anh biết đến một phần mềm có tên là VECA. Ứng dụng cho phép mọi người đăng tải nhu cầu bán ve chai. Người mua có thể lên đó xem và nhận đơn, tương tự như ứng dụng Grap hay Uber.

"Lúc trước thì mình phải đi kiếm khách hàng, đi vòng vòng ngoài đường để kiếm. Như VECA này thì dùng điện thoại công nghệ mở mạng ra là đã có khách hàng rồi rất là tiện" - anh Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.

Ứng dụng VECA cho phép mọi người đăng tải nhu cầu bán ve chai (Ảnh: TTXVN)

Ứng dụng do một nhóm bạn trẻ xây dựng. Hiện ứng dụng mới chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố. Sau hơn 4 tháng, đã có hơn 27 nghìn lượt cài đặt, hơn 5 nghìn đơn bán ve chai và khoảng 29 tấn phế liệu đã được thu mua qua ứng dụng này .

Đỗ Thị Minh Trang - Đồng sáng lập ứng dụng VECA - cho biết: "VECA mong muốn trở thành cầu nối trong hệ sinh thái tái chế rác thải tại Việt Nam".

VECA chỉ là là 1 trong 64.000 doanh nghiệp số được thành lập kể từ 2020. Chưa thể nói gì về thành công hay thất bại nhưng những ứng dụng kiểu này, nhiều khả năng sẽ trở thành xu hướng khởi nghiệp thời kỳ hậu COVID-19.

Hồi sinh chợ dân sinh bằng chợ online

Tính đến thời điểm hiện tại, tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, vẫn đang có từ 30 - 60% các sạp hàng đóng cửa sau dịch. Tác động của dịch COVID-19 và cạnh tranh từ các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử đang khiến chợ truyền thống lâm vào cảnh khó khăn. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã triển khai một mô hình chuyển đổi số, mong hồi sinh chợ truyền thống và bước đầu phát huy hiệu quả.

Chụp hình sản phẩm rồi đăng lên mạng bán online, sau nhiều năm đứng sạp ở chợ truyền thống, đây là điều chị Vân chưa từng thử trước đây. Tuy nhiên, hiệu quả bán hàng là động lực khiến những tiểu thương như chị bắt đầu tìm tòi để có thêm kênh phục vụ khách hàng.

"Thời đại công nghệ 4 chấm rồi thì mình phải tiếp cận mình bán với người ta, chạy theo để cạnh tranh chứ ngồi bán chợ hoài mấy người bận làm việc không có thời gian đi chợ người ta sẽ không mua. Bán được online vầy mình sẽ bán được thêm một phần sản phẩm nữa" - chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, Tiểu thương chợ Bàu Cát - Tân Bình - TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

"Chưa bao giờ, mấy chục năm bán hàng chưa bao giờ làm như vậy nhưng bây giờ tham gia thì thấy nó rất là OK, từ hồi dịch đến giờ là quen luôn rồi" - chị Nguyễn Thị Phi Phượng, Tiểu thương chợ Phạm Văn Hai - TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Utop là tên một hệ thống thương mại điện tử dành riêng cho chợ truyền thống mà Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với công ty FPT triển khai miễn phí cho bà con. Trên web và ứng dụng qua điện thoại di động, tiểu thương có thể đăng bán từng mớ rau con cá, có địa chỉ các sạp hàng và chợ cụ thể, giá cả minh bạch, được chứng nhận an toàn thực phẩm.

Ứng dụng Utop giúp tiểu thương truyền thống kinh doanh hiệu quả, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi

Bước đầu, nhân viên của dự án sẽ đặt văn phòng tại các chợ để giúp bà con tiểu thương làm quen với thương mại điện tử.

Anh Phạm Tuân - Giám đốc vận hành hệ thống Utop của Tập đoàn FPT - cho biết: "Mô hình là sau khi khách hàng đặt hàng, ban quả lý chợ và nhân viên tập đoàn FPT sẽ mang đơn hàng đến cho tiểu thương rồi tập kết hàng và ban quản lý chợ sẽ ship cho khách hàng".

Kể từ tháng 8 năm ngoái cho đến nay, dự án Utop đã hỗ trợ hơn 600 tiểu thương ở 21 chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giải quyết khoảng 7 nghìn đơn hàng, doanh thu hơn 7 tỷ đồng, giúp tiểu thương các chợ có thêm kênh bán hàng hiệu quả.

Bà Trần Như Quỳnh - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Đây là một sự đồng hành và trợ lực kịp thời để trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn, sẽ là bước chuyển đổi để tiểu thương ở các chợ có những hình thức kinh doanh phù hợp và dự kiến chúng tôi cũng sẽ mở rộng ra thêm đối với các chợ trên địa bàn cụ thể là Bình Tân, TP Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi...".

“Y tế gần dân" qua ứng dụng công nghệ

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính nối mạng, người bệnh đã có thể được các bác sĩ, chuyên gia y tế hàng đầu khám bệnh, tư vấn sức khỏe hoặc hướng dẫn điều trị. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa đã trở nên phổ biến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đồng thời cũng mở ra một cơ hội để ngành y tế thực hiện chuyển đổi số, hoàn thành mục tiêu "Y tế gần dân" một cách hiệu quả, ít tốn kém.

Thay vì một tuần phải 5 lần vào bệnh viện, nay ông Hùng - một bệnh nhân từng bị tai biến - có thể tập luyện ngay tại nhà. Các bài tập phục hồi chức năng được bệnh viện hướng dẫn qua mạng dưới dạng video rất trực quan, chỉ cần xem qua là có thể tập theo.

"Nó cũng rất thuận tiện cho những người ở xa và những người mà đi lại khó khăn, không có điều kiện đi vô bệnh viện, tôi thấy nó thuận tiện ở chỗ đó" - ông Trần Thanh Hùng chia sẻ.

Dr. Home là tên phần mềm do Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh mới triển khai. Ứng dụng cho phép các bác sĩ tương tác với nhau và thăm khám, tư vấn, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân từ xa. Ứng dụng giúp vừa tăng hiệu quả phục vụ của bệnh viện, vừa tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, chi phí cho bệnh nhân.

Dr. Home ho phép các bác sĩ tương tác với nhau và thăm khám, tư vấn, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân từ xa

Không chỉ các bệnh viện công, các phòng khám tư nhân và hầu như toàn bộ hệ thống y tế ở Việt Nam hiện nay đều không còn xa lạ với khám bệnh từ xa - Tele Health. Với sự phát triển của công nghệ, hạ tầng, sự phổ biến của điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử, đây đã trở thành giải pháp thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc điều hành Hệ thống Phòng khám đa khoa Jio Health - cho biết: "Việc đầu tư cho công nghệ trong lĩnh vực y tế nó là thiết yếu vì công nghệ sẽ giúp cho cái việc khám chữa bệnh, giúp cho người ta tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh chóng và hiệu quả".

Bác sĩ Đinh Quang Thanh - Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Ứng dụng phần mềm để điều trị cho cộng đồng là một yếu tố bắt buộc vì nó là nhiệm vụ của ngành y tế khi cung cấp dịch vụ tốt nhất cho mọi người dân, từ thành thị đến nông thôn, đồng thời rút ngắn được cái khoảng cách giữa những người có điều kiện và không có điều kiện tiếp xúc với y tế. Đât cũng là bước tiếp cận với cái xu hướng chung của thế giới".

Chiến lược kinh tế số

Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tạo áp lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Với việc ra đời trên 64.000 doanh nghiệp, công nghệ số và tỷ trọng kinh tế số đã chiếm khoảng 10% GDP. Công nghệ số và dữ liệu số cần phải trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam bứt phá.

Ngày 31/3: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030 với quan điểm là phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. Mục tiêu là đến 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE