You are here

Tuyển sinh đại học 2023: Các trường không đưa ra phương án tuyển sinh phức tạp, rắc rối

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, Các trường không đưa ra phương án tuyển sinh phức tạp, rắc rối.

Ngày 30.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.

Sẽ kiểm tra một số trường đại học có dấu hiệu tuyển sinh "không bình thường"

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. 

Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, căn cứ kết quả tuyển sinh năm nay, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả phương thức tuyển sinh. Trên cơ sở đó, triển khai trong năm tới đạt hiệu quả hơn.

Về những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở đào tạo đề cập tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu và từng bước hoàn thiện. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho các trường với những giải pháp khả thi.

“Hiện, chúng ta đang trong xu thế tự chủ nhưng tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường nghiêm túc thực hiện. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý dựa trên cơ sở dữ liệu.” – Thứ trưởng Sơn nói.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với một số trường có dấu hiệu "không bình thường" về tuyển sinh” – thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, với phương thức tuyển sinh nào ít hiệu quả, các trường có thể xem xét, tinh giảm, điều chỉnh trong năm 2023. Làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh; thậm chí có thể tính đến phương án thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức trên hệ thống phần mềm.

Tự chủ tạo ra môi trường cạnh tranh 

Được biết, đối với tuyển sinh đại học chính quy, chỉ tiêu hằng năm tăng nhẹ, tỷ lệ tuyển sinh trong 03 năm gần đây tăng từ 83,46% tăng lên 97,80%, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Như vậy, có thể thấy tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường  đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tỷ lệ sinh viên có việc làm…) để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút được sinh viên giỏi; thúc đẩy các trường ngày càng đi vào thực chất hơn với chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.

Năm 2019- 2021 các trường có nhiều phương thức để thực hiện tuyển sinh hiệu quả. Các trường thực hiện tuyển sinh trên cơ sở ba nguyên tắc cơ bản: Công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh và công khai, học sinh và phụ huynh tiếp cận đầy đủ thông tin tuyển sinh; các bên liên quan và xã hội giám sát ở các khâu từ xác định chỉ tiêu đến xác định điểm trúng tuyển, phương án cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay quy mô tuyển sinh hệ đại trà có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin, kết thúc tuyển sinh đợt 1 năm 2022, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan. Thống kê riêng khối đại học cho thấy: Trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt số lượng của cả năm 2020.

Trong số 224 cơ sở đào tạo (CSĐT) đầu mối, 149 CSĐT (66,5%) có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số nhập học của toàn quốc. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 CSĐT (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.

Hồng Hạnh



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE