You are here

Thăng hạng giáo viên: Qui trình ngược

Ngoài “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp”, hai nội dung “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” và  “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ” trong các Quy định của Thông tư số 01, 02, 03 và 04 vủa Bộ GDĐT gây nhiều ý kiến trái chiều.

Bất lợi cho giáo viên

Theo quy định của Luật Viên chức thì giáo viên phải được xếp hạng và có các tiêu chuẩn để xếp hạng. Đây là cái khó cho giáo dục vì dạy học là ngành đặc thù trong xã hội, ngành “kỹ sư tâm hồn” chứ không phải “kỹ sư khối óc” như các ngành nghề khác. Mặt khác, lực lương giáo viên đông, hàng năm ngân sách nhà nước phải chi rất lớn cho con người. Nếu quy định tiêu chuẩn hạng và thăng hạng không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc xếp lương và tăng lương cho giáo viên cũng như chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Ở một số nước phát triển, để trở thành một giáo viên trường công phải đủ 3 điều kiện: Có bằng cử nhân; Có chứng nhận được làm nghề dạy học; Có chứng chỉ được dạy học một môn học hay liên môn học cụ thể trong các cấp học. Như vậy “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” được đào tạo ngay từ trước khi công chức ấy trở thành giáo viên để dạy học. Ở Việt Nam lại bổ sung tiêu chí trên sau khi công chức đã trở thành các thày cô giáo đứng trên bục giảng. Nên chúng tôi gọi đó là “thả gà ra mà đuổi”. Vì vậy rất khó và rất phức tạp cho ngành giáo dục khi phải thực hiện các yêu cầu của Luật viên chức đã được quy định.

Việc phân biệt trình độ đào tạo của “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” và năng lực chuyên môn của “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ” trong các tiêu chuẩn xếp hạng có thể thấy như sau: Giữa hai tiêu chuẩn trên nhiều khi mơ hồ, có ranh giới mờ nhạt rất khó phân biệt. Nếu quá coi trọng “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” sẽ gây áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên khi phải học để có chứng chỉ. Còn nếu quá coi trọng “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ” sẽ tạo ra bệnh thành tích, vốn đã trầm kha trong ngành giáo dục. Do vậy đòi hỏi người làm chính sách không chỉ chỉ có năng lực chuyên môn nghề nghiệp mà cả nghệ thuật xây dựng văn bản nữa.

Việc bỏ các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hay ngoại ngữ 2 của Bộ GDĐT trong các Thông tư 01, 02, 03 và 04 là phù họp với thực tiễn tiễn, đáp ứng mong mỏi của giáo viên và giữ bình yên trong dư luận. Tuy nhiên các nội dung của các Thông tư vẫn còn nhiều quy định bất cập, không có lợi cho giáo dục mà bất lợi cho giáo viên, tạo cơ hội cho tiêu cực, trục lợi ở các cơ sở bồi dưỡng cấp bằng, cấp chứng chỉ.

Cần nghiên cứu sâu sắc thực tiễn

Theo đó, các cơ quan chuyên môn ở Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ cần nghiên cứu sâu sắc thực tiễn giáo dục và hoàn cảnh hiện có ở Việt Nam để có cơ sở điều chỉnh nội dung các thông tư xung quanh các nội dung:

Về bằng cấp, không nên có quy định trình độ thạc sĩ trong các tiêu chuẩn hạng của giáo viên. Hiện nay trong các trường sư phạm chỉ đào tạo giáo viên trình độ cử nhân, thì khi ra trường, tại sao lại quy định họ phải có trình độ sau cử nhân để được thăng hạng, đồng nghĩa được tăng lương ở bậc cao hơn.

Giáo viên có trình độ thạc sĩ là tốt và cần được khuyến khích. Còn nếu là quy định bắt buộc thì nên đào tạo họ có trình độ thạc sĩ ngay từ khi họ còn học trong trường, trước khi là giáo viên, đứng lớp dạy học. Đối với những người vừa dạy học vừa vượt khó cố gắng học để nâng bằng cấp đào tạo, thì có thể thưởng bằng vật chất và vinh danh bằng tinh thần. Tất nhiên không động viên những giáo viên này bằng hình thức tăng lương như hiện nay, nhất là trong bối cảnh của giáo dục Việt Nam.

Về chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng và thăng hạng. Có khoảng 10 chuyên đề để bồi dưỡng chứng chỉ này. Trước kia đây thực chất các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên trong hè cho giáo viên. 

Theo đó, nên chuyển tối đa, có thể được, các chuyên đề trong tiêu chuẩn “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” sang nội dung quy định trong tiêu chuẩn “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ”. Nhất là những chuyên đề đậm chất chuyên môn nghiệp vụ thì không nên để trong quy định tiêu chuẩn “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” hoặc những chuyên đề chỉ thích hợp cho cán bộ quản lý giáo dục cũng không nên yêu cầu giáo viên phải bồi dưỡng có chứng chỉ để giữ hạng hay thăng hạng viên chức.

Đặc biệt, việc bồi dưỡng giáo viên để có kỹ năng thay SGK mới là rất hệ trong và thiết thực cho mọi giáo viên lúc này. Trong khi công cuộc đổi mới chương trình và SGK thường kéo dài gần 20 năm. Phải chăng chúng ta nên lựa chọn và đưa các các modun bồi dưỡng thay SGK vào bồi dưỡng chứng chỉ hạng của viên chức là giáo viên.

Theo ông Đặng Tự Ân hạn chế tối đa bức xúc trong xã hội khi ban hành và triển khai thực hiện những quy định tiêu chuẩn hạng và thăng hạng, nhất thiết chúng ta phải mạnh dạn thay đổi quan niệm, nhất là phải tỉnh táo để không có tư tưởng lợi ích nhóm. Ngay từ lúc xây dựng chính sách và cả quá trình thực thi chính sách. Không có điều kiện gì tốt hơn là năng lực và đạo đức công vụ của người làm chính sách và thực thi chính sách.

 

Theo Đại Đoàn Kết



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE