You are here

Liên kết giáo dục nghề nghiệp - hướng đi tất yếu

Liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã đang là hướng đi mang tính tất yếu, qua đó tạo việc làm đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Hiệu quả nhờ liên kết

Hộ gia đình ông Triệu Tiến Tài ở thôn Khuổi Nằn 1, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì (một trong 4 huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025) chủ yếu trồng rừng và cây ăn quả có múi. Trước đây, ông Tài chủ yếu làm theo kinh nghiệm, năng suất cây trồng bếp bênh vì hoàn toàn phụ thuộc thời tiết. Song, từ khi tham gia lớp học nghề trồng cây căn quả do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức, được đi thực tế tại các vườn trồng của một số hợp tác xã trên địa bàn, ông Tài đã tự tin áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Nhờ đó, vườn cam Đường Canh của gia đình ông Tài phát triển tốt nhờ biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thuận lợi tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn…, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn tổ chức cho học sinh đi tham quan tại Trung tâm nghiên cứu dê, thỏ Sơn Tây, Hà Nội

Tương tự, chị Cà Thị Din ở thôn Nà Vả, xã Quang Phong, huyện Na Rì cũng được tham gia lớp dạy nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Được học cả lý thuyết lẫn thực hành về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, chị Din đã có thể hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình và bà con hàng xóm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi gà, trâu, bò, lợn mang lại hiệu quả kinh tế, tránh được rủi ro.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu hộ dân, tiềm năng thế mạnh địa phương và các hợp tác xã, doanh nghiệp là chủ trương được huyện Na Rì nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện. Ông Đàm Đình Thứ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Rì cho biết, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã mở hơn 20 lớp nghề cho lao động nông thôn, với trên 600 người tham gia, cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn. Học lý thuyết và thực hành song song giúp học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế. Đối với cây trồng thực hành ngay tại ruộng, đối với vật nuôi hướng dẫn tại hộ gia đình theo phương châm "cầm tay chỉ việc". Nhờ đó, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng, kéo theo thu nhập tăng, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhiều học viên sau khi học xong đã vào trong các doanh nghiệp làm việc, có thu nhập ổn định.

Tại trường Cao đẳng Bắc Kạn, thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh được đẩy mạnh, giúp học sinh, sinh viên, trong đó có những học sinh nghèo, giúp họ vững tay nghề.

Trong năm 2022, nhà trường đã tổ chức 8 đợt thực tập; 10 cuộc đi tham quan hướng nghiệp, thực hành thực tế chuyên môn cho học sinh, sinh viên các lớp, các chuyên ngành. Riêng với Khoa Nông lâm, trường đã kết nối để đưa học sinh đi thực hành, tìm hiểu tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đã giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với thực tế, rèn giũa tay nghề, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị, doanh nghiệp được lựa chọn hợp tác cũng phải bám sát nội dung học.

Cũng thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà trường có thể dự báo về số lượng lao động, tạo thuận lợi trong công tác đào tạo; có kế hoạch hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, ông Bế Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn xác nhận.

Rõ ràng, sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã là hướng đi rất cần thiết, bảo đảm sự phát triền bền vững, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa phương, đặc biệt ở các vùng nghèo.

Ký kết hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn luôn chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách.

Hoạt động đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn không chỉ huy động các cơ sở đào tạo nghề mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học); các lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp; những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập và tuyển dụng học viên sau khóa học.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, mạng lưới dạy nghề và trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo còn nhiều bất cập. Năng lực dạy nghề nông nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu như: thiếu giáo viên cơ hữu, chủ yếu dựa vào nguồn cán bộ của ngành nông nghiệp, chưa huy động được đội ngũ chuyên gia nông nghiệp, cán bộ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia dạy nghề. Công tác gắn kết với doanh nghiệp, hợp tác xã ở nhiều cơ sở giáo dục chưa được chú trọng.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người dân, nhất là ở các vùng nghèo, khó khăn, bên cạnh việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cần xây dựng chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ, các nghệ nhân, nông dân giỏi, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình đào tạo nghề. Đổi mới công tác tuyển sinh phương pháp và hình thức đào tạo để phù hợp với các đối tượng tham gia học nghề nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành tổ chức đặt hàng đào tạo nghề nông nghiệp cho các cơ sở đào tạo nghề theo định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị sử dụng lao động nông nghiệp.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đề xuất, cần tăng cường gắn kết chặt chẽ “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương và tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; kết nối tốt thông tin thị trường lao động để cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tăng cường xuất khẩu lao động đã qua đào tạo…

Minh Châu



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE