You are here

Chuyển từ “Trường đại học” lên “Đại học”: Thể hiện được năng lực tự chủ cao!

Theo quy định của pháp luật việc chuyển “Trường Đại học” thành “Đại học” không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở Giáo dục đại học mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành...

Việc “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” trở thành “Đại học Bách khoa Hà Nội” do Thủ tướng vừa phê duyệt đã gây nóng dư luận về thuật ngữ “Trường đại học” và “Đại học”, để hiểu rõ hơn về vẫn đề này, phóng viên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với Tiến sĩ Luật Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long – CEA Thăng Long.

"Trường Đại học Bách khoa Hà Nội" giờ thành  "Đại học Bách khoa Hà Nội"

 

Hiểu rõ thuật ngữ “Trường đại học” và “Đại học” 

- Được biết, khi đang giữ cương vị là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo bà là thành viên tích cực đóng góp xây dựng Luật số 34 và Nghị định 99/2019/ NĐ-CP, theo bà  phân biệt như thế nào về thuật ngữ “Trường Đại học” với “Đại học”?

- Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) thì có 2 loại hình chủ yếu của cơ sở Giáo dục đại học là trường đại học hoặc học viện (gọi chung là trường đại học) và đại học.

Về tên gọi, có thể sẽ khó phân biệt đối với nhiều người vì trong ngôn ngữ hàng ngày, đa số không phân biệt chính xác hai thuật ngữ này.

Tuy nhiên, từ khi thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1993 thì trong các văn bản pháp luật, văn bản hành chính đã phải phân biệt chính xác hai thuật ngữ trên.

Theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, có thể phân biệt 2 thuật ngữ Đại học và Trường Đại học qua các tiêu chí sau:

Phân biệt

Trường Đại học

Đại học

Chức năng, nhiệm vụ

Đào tạo các trình độ của GDĐH, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng liên quan đến nhiều ngành (có thể trong một số lĩnh vực)

Đào tạo các trình độ của GDĐH, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng liên quan đến nhiều lĩnh vực

Cơ cấu tổ chức

Có Hội đồng trường; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; khoa, phòng chức năng và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường ĐH.

Có Hội đồng ĐH; giám đốc, phó giám đốc ĐH; trường ĐH thành viên; ban/phòng chức năng, khoa… và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của ĐH. Trong đó, trường ĐH thành viên là thiết chế không thể có trong trường ĐH

Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ chủ chốt

(1) Cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng trường, công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng trường

(2) Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường ĐH; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường ĐH trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường ĐH.

(1) Cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận, công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hội đồng ĐH, chủ tịch và thành viên hội đồng ĐH.

Đối với trường thành viên: Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của hội đồng ĐH.

(2) Hội đồng ĐH quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm giám đốc ĐH; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó giám đốc ĐH trên cơ sở đề xuất của giám đốc ĐH (trừ ĐH Quốc gia).

Quyền tự chủ

(1)Tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật

(2) Được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đạt kết quả kiểm định chất lượng.

(1) ĐH tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm phù hợp với quy định của pháp luật. Trường ĐH thành viên phải thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung của ĐH và mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ của trường mình, phù hợp với quy định của pháp luật và của ĐH.

(2) Được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quy mô

Không quy định

Có ít nhất 03 trường ĐH thành viên hoặc có: 03 trường thuộc trường ĐH, có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người

Như vậy, có thể nói rằng Đại học là mô hình tổ chức GDĐH có chức năng, nhiệm vụ rộng lớn hơn, mang tính đa lĩnh vực và liên ngành; có quy mô lớn hơn, cơ cấu đồ sộ hơn, được thừa nhận năng lực tự chủ và quyền tự chủ cao hơn.

Còn Trường Đại học thì thực hiện chức năng nhiệm vụ ở mức đa ngành, trong một hoặc một số lĩnh vực, quy mô và cơ cấu đơn giản hơn, quyền tự chủ phụ thuộc vào năng lực tự chủ mà một phần thể hiện thông qua kết quả kiểm định chất lượng.

Mô hình “Đại học Bách khoa Hà Nội” có sự khác biệt

- Mô hình của “trường Đại học Bách khoa Hà Nội” thành “Đại học Bách khoa Hà Nội” có giống với mô hình của Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh hay các Đại học vùng khác không thưa bà?

- Khi thành Đại học Bách khoa Hà Nội thì Đại học này về cơ bản cũng giống với các Đại học khác ở chức năng nhiệm vụ và quyền tự chủ chung của Đại học nên về cơ cấu tổ chức cũng có một số nét tương đồng, phù hợp với chức năng chung và thể hiện năng lực tự chủ tương tự như nhau.

Về cơ cấu, các Đại học đều có Hội đồng Đại học, Giám đốc, Phó Giám đốc, các hội đồng chuyên môn, các trường đào tạo, phòng, ban khoa... và một số thiết chế khác.

Tuy nhiên, điểm rất khác biệt giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với các Đại học Quốc gia, ĐH vùng là: Đại học Quốc gia, Đại học vùng được thành lập và hoạt động trên nền tảng của các trường Đại học thành viên, là những trường Đại học do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ phù hợp với năng lực tự chủ theo quy định của pháp luật đối với trường Đại học và quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học.

Còn Đại học Bách khoa Hà Nội hình thành trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát triển, lớn mạnh, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật: đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học; có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học đã được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người và có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý.

Trong đó, Trường là đơn vị đào tạo thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thường được giao đào tạo một số ngành trong một lĩnh vực gắn với tên trường, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định thành lập theo quy định, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Như vậy, các trường đào tạo thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội không phải là trường Đại học thành viên, không có tư cách pháp nhân và quyền tự chủ của một trường Đại học như trong các Đại học Quốc gia, Đại học vùng.

Toàn thể Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn là một Đại học thống nhất, theo quy chế tổ chức và hoạt động chung. Phạm vi tự chủ của các trường đào tạo thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội phụ thuộc vào sự phân cấp của Đại học Bách khoa Hà Nội và năng lực tự chủ của các trường này.

Tất nhiên, các trường đào tạo thường lớn mạnh hơn khoa, sẽ được phân cấp, phân quyền mạnh hơn, nhất là về chuyên môn, tổ chức, nhân sự... nhưng không phải là trường  đại học thành viên của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chuyển "Trường đại học" thành "Đại học" sẽ là con đường phù hợp với các trường đại học đã có bề dày hoạt động

- Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng đã nêu khá rõ về việc chuyển từ “Trường đại học” lên “Đại học” nhưng thực tế để thực hiện việc này không phải dễ, ở Việt Nam trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên thực hiện việc này, vì sao lại khó khăn như vậy thưa bà?

- Theo quy định của pháp luật thì việc chuyển Trường Đại học thành Đại học không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở GDĐH mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo; qua đó, cơ sở GDĐH đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Điều đó không thể là thay tên gọi như một kiểu “bình mới rượu cũ” mà cần phải có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng phải chất lượng, hiệu quả hơn trước.

Nói vậy cũng không có nghĩa là tất cả các Trường đại học đều phải phát triển thành Đại học mới là tốt. Có những trường nhỏ, đơn lĩnh vực nhưng vẫn luôn khẳng định được chất lượng cao trong mọi hoạt động.

Tuy nhiên, nếu phát triển thành Đại học bằng cách tự lớn mạnh (cả chiều rộng, chiều cao trong hoạt động và hiệu quả quản trị, quản lý) hoặc liên kết với các trường khác thành Đại học thì có thể cùng nhau thực hiện được những nhiệm vụ to lớn, mang tính liên ngành và cộng lực để phát triển.

- Theo bà, mô hình đại học nào phù hợp với Việt Nam hiện nay?

- Có lẽ không có một mô hình đại học duy nhất nào là phù hợp nhất với thực tế của Việt Nam hiện nay mà nên xác định mô hình đại học nào là phù hợp và hiệu quả đối với một trường đại học cụ thể.

Điểm khác biệt giữa việc thành lập các đại học trước khi có Luật số 34/2018 là hình thành bằng con đường/biện pháp hành chính; còn theo Luật số 34/2018 thì các đại học tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo những tiêu chí – định hướng đã được quy định.

Theo Luật số 34/2018, có hai cách để hình thành một đại học là: Chuyển trường đại học thành đại học theo cách mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện và các trường đại học đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học.

Tôi cho rằng việc chuyển "Trường đại học" thành "Đại học" sẽ là con đường phù hợp với các trường đại học đã có bề dày hoạt động, đã xây dựng được uy tín, thương hiệu trong xã hội; hoạt động đã bao phủ tới nhiều lĩnh vực và có ít nhất từ 3 lĩnh vực trở lên là thế mạnh của trường; có quy mô đào tạo tương đối lớn, lực lượng giảng viên hùng hậu và có trình độ cao, phát triển đào tạo sau đại học... như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường khác.

Còn đối với những trường nhỏ, nếu muốn phát triển thành Đại học thì chỉ có liên kết với nhau là con đường ngắn nhất nhưng cũng rất khó thành công.

Thực tế, cách này chỉ có thể phù hợp với những trường tư thục thuộc cùng một nhà/tập đoàn/doanh nghiệp đầu tư hoặc các trường công lập thuộc cùng một cơ quan chủ quản (ngành/địa phương).

Tuy nhiên, trước hết, cần phải xác định việc đầu tư nâng cao chất lượng thực tế mới là con đường phát triển chung cho tất cả các trường, không nhất thiết phải phát triển thành đại học.

Nếu có nhu cầu, điều kiện phát triển thành đại học thì phải có chiến lược, kế hoạch chi tiết để đầu tư hiệu quả; và việc phát triển thành đại học phải để thực hiện mục đích hoạt động hiệu quả và chất lượng tốt hơn, không phải là vấn đề vị thế hay tên gọi.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Hạnh (thực hiện)



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE