You are here

Bắt buộc, song phải tạo sức hấp dẫn

Nhận thấy vai trò quan trọng của Lịch sử trong giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến đưa Lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông.

Lo ngại học sinh không chọn môn Lịch sử

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 sáng 22.5 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhiều đại biểu cho ý kiến về việc môn Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc ở cấp THPT. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, từ giáo viên, nhà quản lý giáo dục đến những người ngoài ngành giáo dục đều không đồng tình với việc đưa Lịch sử cấp THPT thành môn tự chọn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai) cho biết: “Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Ba, nhiều cử tri giao nhiệm vụ cho tôi phải phát biểu ý kiến trước Quốc hội về vấn đề môn Lịch sử. Thay mặt cử tri, tôi truyền đạt ý kiến về vấn đề này". ĐBQH Đỗ Huy Khánh khẳng định rằng bỏ môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT là không đúng, nhưng cái cần quan tâm ở đây là Lịch sử khi trở thành môn tự chọn có thể có học sinh không chọn, thậm chí cả trường, cả huyện không có học sinh nào chọn môn Lịch sử.

"Điều quan trọng nhất là hiện nay chúng ta chưa đánh giá được Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS, chương trình môn Lịch sử với nội dung đó, thời lượng đó là đủ, không cần học sinh cấp THPT lựa chọn. Chúng ta cũng chưa xác định được nếu các em không lựa chọn thì có ảnh hưởng gì đến vận mệnh quốc gia, dân tộc hay không?" - đại biểu Đỗ Huy Khánh băn khoăn.

Cho rằng dạy Lịch sử vô cùng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, ĐBQH Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) nhận định: “Dưới góc nhìn là cô giáo dạy ở một trường THPT miền núi, tôi cho rằng Lịch sử nên là môn học bắt buộc, vì ở độ tuổi từ 16 - 18, nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tư duy của các em phát triển tốt hơn và dần hoàn thiện so với cấp học dưới, tiếp cận môn Lịch sử ở tâm thế khác. Cũng phải thừa nhận, so với các quốc gia trên thế giới, tính tự học của học sinh THPT ở nước ta chưa được cao. Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn, và nhiều người cho rằng học Lịch sử khó xin việc, liệu rằng sẽ có bao nhiêu em theo xu hướng không chọn học môn này?”

ĐBQH Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, dạy bắt buộc môn Lịch sử ở cấp THPT là quan trọng trong bối cảnh mặt trái của cơ chế thị trường tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, nhất là thế hệ trẻ; khi các nước trên thế giới đều hết sức quan tâm tới giáo dục lịch sử, truyền thống. “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam là nguyện ước của Bác Hồ. Đây không chỉ là lời kêu gọi, mà là chân lý, khoa học, mỹ học, hãy xem đây là điều kiện cần, điều kiện đủ cho giáo dục, nhưng phải làm thế nào để học sinh tiếp cận lịch sử dễ hơn,” - đại biểu Hoàng Trung Dũng nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, điều cử tri, các tầng lớp nhân dân, dư luận, nhiều đồng chí có trách nhiệm nêu, không đặt ra vấn đề chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông mới hay môn Lịch sử trong Chương trình, mà chỉ băn khoăn học sinh THPT không học thêm khối kiến thức lịch sử nào thì có nên hay không? 100% đại biểu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tham dự Phiên họp toàn thể đều đề nghị đưa Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc THPT. 

Ủy ban cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu phương pháp dạy môn Lịch sử, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử. Đại biểu Quốc hội mong muốn phương pháp dạy và học đổi mới, phương pháp thi kiểm tra đánh giá môn Lịch sử cần hài hòa, không nên quá tập trung vào con số, sự kiện mà cố gắng để các em thể hiện sự sáng tạo, hiểu biết rộng hơn.

Thay đổi cách dạy và kiểm tra, đánh giá

Nhiều ĐBQH cũng chia sẻ với khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đặt ra vấn đề thay đổi môn Lịch sử từ môn học tự chọn trở thành môn học bắt buộc trong thời điểm chỉ còn 3 tháng là bắt đầu năm học mới, áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 10. Tuy vậy, như ý kiến của ĐBQH Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa), rất khó nhưng vẫn có thể làm được. Từ nay đến ngày 15.6, các cơ sở giáo dục phải chọn xong sách giáo khoa để dạy cho năm học 2022 - 2023. Nếu Quốc hội khuyến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, trường THPT lựa chọn có định hướng, có tính tập trung với môn Lịch sử. Vì chúng ta đã có sách và giáo viên môn Lịch sử, trong khi nhiều môn học sinh lựa chọn cũng không dạy được như Mỹ thuật, Âm nhạc vì toàn bộ hệ thống THPT chưa có giáo viên.

Nhiều đại biểu cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi nội dung chương trình, cách dạy và kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), hiện nay học sinh phổ thông không mặn mà với môn Lịch sử, thậm chí qua nhiều kỳ thi, điểm môn Lịch sử rất kém. Phỏng vấn một số học sinh nói không thích học môn Lịch sử. Tuy nhiên, rà soát chương trình môn Lịch sử trong nhà trường cho thấy nguyên nhân các em không yêu thích không hẳn là do bộ môn này không đủ sức hấp dẫn, mà do chương trình học nặng về kiến thức hàn lâm và phương pháp truyền đạt, dạy và thi chủ yếu cung cấp kiến thức và yêu cầu học sinh ghi nhớ sự kiện, con số, gây nên sự tẻ nhạt. 

“Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận môn Lịch sử, không sa đà vào cách học, dạy thi theo barem sẵn, bắt học sinh thuộc làu làu, mà phải tạo sự chủ động, tích cực cho các em” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói. 

ĐBQH Hà Ánh Phượng cũng cho rằng, mấu chốt là phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Thầy cô không ngại đổi mới, nhiều người đã dùng infographic, mindmap, hoạt hình hóa để dạy Lịch sử. Việc kiểm tra, đánh giá nên học hỏi các nước phương Tây, “thay vì học thuộc lòng, họ yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức, liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và dự đoán tương lai”. 

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.  

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia, trên cơ sở đó cân nhắc các phương án và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền...

Ngọc Phương



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE