You are here

45 năm Chiến thắng Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12- 2017) Biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Kíp trắc thủ của phân đội 6, Bộ đội tên lửa Thủ đô chiến đấu dũng cảm, mưu trí, góp phần bắn rơi nhiều máy bay B-52 của Mỹ. Ảnh tư liệu

Với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên quyết bảo vệ Thủ đô thân yêu; với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết chiến đấu, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Thủ đô đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", xứng đáng là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, tiêu biểu cho sự phát huy truyền thống và hào khí Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Chủ động, tích cực chống cuộc tập kích đường không

Từ ngày 16-4-1972 cho đến cuối tháng 12-1972, Ðế quốc Mỹ đã dùng nhiều máy bay chiến lược B-52 và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật, chia thành nhiều tốp ném bom dữ dội xuống nhiều địa điểm ở Hà Nội, nhất là các trọng điểm như: sân bay Nội Bài, khu công nghiệp Ðông Anh, sân bay Gia Lâm, Tổng kho xăng dầu Ðức Giang, ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai,… gây thiệt hại rất nặng nề.

Ngày 16-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp ra thông báo cho quân và dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, các khu kho tàng, cơ sở công nghiệp, bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả khi địch đánh phá. Ngày 27-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban hành chính, Hội đồng phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 300 nghìn người sơ tán ra khỏi nội thành. Tiếp đó, trong các ngày 2 và 19-12, Ban Thường vụ Thành ủy họp quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Ðồng thời, phải triển khai kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá.

Thực hiện quyết định của Thành ủy, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12-1972, thành phố đã đưa được gần 500 nghìn người dân và 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành. Phân tán các kho tàng, nhất là kho hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, kho chứa chất độc, chất cháy, bảo đảm an toàn, hợp lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại do máy bay địch bắn phá. Tạm hoãn mọi sinh hoạt, hội họp đông người ở các cơ quan, công sở, nhà ga, công viên, trường học… Hệ thống hầm trú ẩn, công sự chiến đấu và hào giao thông được xây dựng và phát triển mạnh trong các tuyến phố nội thành, với tổng số 45.000 km hào giao thông, 5.600 hầm trú ẩn, hầm chiến đấu tập thể và hơn 630 nghìn hố cá nhân, đủ chỗ trú ẩn, trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu cho 900 nghìn người. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông được duy tu, nâng cấp, củng cố, mở rộng, nhiều cầu phao, bến phà được xây dựng mới bảo đảm giao thông thông suốt. Mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống đài truyền thanh, loa báo động phòng không được triển khai thực hiện đồng bộ, phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô và Hội đồng phòng không thành phố về xây dựng và tổ chức lực lượng chiến đấu, trọng tâm là tăng cường thêm lực lượng hỏa lực bắn máy bay địch, nhiều trận địa pháo, tên lửa phòng không được xây dựng. Lực lượng trực tiếp bảo vệ Thủ đô có bốn trung đoàn không quân tiêm kích, ba trung đoàn tên lửa, sáu trung đoàn pháo cao xạ, một số tàu của Hải quân có hỏa lực phòng không bố trí dọc sông Hồng. Dân quân tự vệ Thủ đô có bốn đại đội pháo cao xạ 100 ly, 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5 ly, hơn 100 súng trường của dân quân tự vệ các nhà máy, hợp tác xã ở nội và ngoại thành sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và truy lùng giặc lái máy bay Mỹ nhảy dù,…

Với sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Thành ủy, công tác chuẩn bị chiến đấu tiến hành khẩn trương, hiệu quả, quân và dân Thủ đô đã bước vào trận đụng đầu lịch sử mang tầm vóc thời đại, với tất cả ý chí, quyết tâm và bản lĩnh kiên cường, dũng cảm nhất. Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 30-12-1972), quân và dân Thủ đô Hà Nội phối hợp chặt chẽ với thành phố Hải Phòng và một số tỉnh phụ cận đã lập nên kỳ tích "Ðiện Biên Phủ trên không", đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không, với quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, năm chiếc F111 bị tiêu diệt, bắt sống 43 giặc lái. Trong chiến công chung đó, quân và dân Thủ đô đã góp phần xuất sắc nhất khi bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B-52 và hai máy bay F111.

Một số bài học kinh nghiệm

Nhìn lại kỳ tích chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, Thành ủy Hà Nội đã tập trung cao độ, thực sự chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Xây dựng các chi bộ, đảng bộ cơ sở phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Ðảng bộ, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí, bản lĩnh, quyết tâm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, phát huy tốt vai trò, vị thế, trách nhiệm và nội lực Thủ đô, chủ động bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân Thủ đô, nêu cao tinh thần cách mạng và ý chí, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Ba là, chú trọng tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa quân và dân; giữa các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và của Thủ đô Hà Nội trên địa bàn, để chủ động chuẩn bị chống địch tập kích đường không.

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nâng cao cảnh giác cách mạng, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô. Tạo được sự đồng thuận cao trong Ðảng bộ, Chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt, đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, đánh thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" là chiến công chói lọi nhất của quân và dân Thủ đô, cũng như quân và dân miền bắc trong cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Với chiến thắng vang dội này, Thủ đô Hà Nội đã góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ðây là tiền đề quan trọng để làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. 

Ngô Thị Thanh Hằng
Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

 

Theo Nhân Dân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE